Chu Nhan là tiền truyện trong hệ liệt “Kính” của tác giả Thương Nguyệt, bắt đầu từ sự kiện Chu Nhan – quận chúa tộc Xích thuộc vương triều Không Tang đào hôn cùng khúc mắc tình cảm giữa nàng và sư phụ mình là Thời Ảnh thuộc Đại Thần cung trên đỉnh Nghi Sơn. Vận mệnh vương triều Không Tang cũng vì vậy mà thay đổi – bao gồm cả Tô Ma – tiểu giao nhân mà nàng thu dưỡng về sau thay đổi cả vận mệnh vương triều. Dưới những quyền mưu toan tính, tình cảm và số phận từng người nhỏ bé bị nắm trong tay, người có thể nghịch thiên cải mệnh kia, sẽ phải chịu đựng nỗi đau không cách nào tưởng tượng nổi. Đây là chuyến phiêu lưu của một thiếu nữ, cũng là một đoạn sử thi kỳ huyễn mỹ lệ.
Giới thiệu tác giả Thương Nguyệt:
Thương Nguyệt (giản thể: 沧月; phồn thể: 滄月; bính âm: Cang Yue) tên thật là Vương Dương (王洋), sinh ngày 15 tháng 5 năm 1979 tại Chiết Giang, Trung Quốc là một trong những tác giả đại diện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tân võ hiệp tại Trung Quốc đại lục. Tên tuổi của cô được liệt vào nhóm “Thần Châu Tân ngũ hiệp”, một trong năm đại diện nổi bật của dòng kiếm hiệp Trung Quốc hiện nay (nhóm Thần Châu ngũ hiệp bao gồm: Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An.) Ngoài ra, cô còn được xem là nhân vật hăng hái đi đầu trong phong trào sáng tác truyện võ hiệp của phái nữ.
Thương Nguyệt bắt đầu đăng truyện trực tuyến lên mạng từ năm 2011. Ban đầu cô nổi tiếng với thể loại võ hiệp, sau là đến thể loại tiểu thuyết viễn tưởng huyền bí dài tập. Thương Nguyệt từng giành được giải nhất trong cuộc bình bầu tác phẩm Tân võ hiệp do tạp chí Đại hiệp và Danh thám tổ chức năm 2001 với tác phẩm “Huyết Vi”. Tác phẩm của cô cũng được đăng dài kỳ trên nhiều tạp chí kiếm hiệp. Năm 2007, chỉ trong 10 ngày đầu tiên ra mắt, tác phẩm “Thất Dạ Tuyết” (trong Đỉnh Kiếm Các hệ liệt) của cô đã bán được hơn 80.000 bản, trở thành tiểu thuyết kiếm hiệp bán chạy nhất trong năm ở Trung Quốc.
Giới thiệu về hệ liệt Kính:
Hệ liệt Kính là bộ truyện hoành tráng dữ dội mà đằm thắm ôn nhu của nữ hiệp Thương Nguyệt. Tác phẩm có bối cảnh là cuộc chiến tranh giữa ba thế lực lớn: Đế quốc Thương Lưu cầm quyền của Băng tộc, tàn dư của cựu Vương triều Không Tang, cùng những giao nhân có nguồn gốc nơi biển cả tự do vô tận, vùng lên không cam chịu kiếp sống nô lệ.
Truyện không có một nhân vật chính xuyên suốt, mà mỗi nhân vật đều có một cái “tình” riêng, khiến cho họ không còn chỉ là cái xác vô hồn bị điều khiển bởi quyền lực và lợi ích. Chữ “tình” của Thương Nguyệt, chữ “tình” đặt giữa ân oán hận thù, giữa mưu mô toan tính, giữa cái chung với cái riêng, là chữ “tình” bi thương mà diễm lệ tuyệt trần.
Bình luận